Điện gió, mặt trời sẽ phát triển ra sao sau cam kết COP 26?

Các nguồn điện sạch, gồm điện khí, gió, mặt trời… sẽ chiếm tỷ trọng 75% tổng công suất, góp khoảng 70% sản lượng hệ thống đến năm 2045.

Thông tin này được ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo chia sẻ tại diễn đàn Công nghệ và năng lượng, chiều 30/11. Đây là một trong những nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch của Việt Nam, sau cam kết về mục tiêu đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP 26.

Theo ông Dũng, tính toán mới nhất của Bộ Công Thương về kịch bản phát triển nguồn điện đến năm 2030, tầm nhìn 2045, năng lượng tái tạo sẽ phát triển mạnh, tăng nhiều so với quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Chẳng hạn, năm 2030 dự kiến công suất điện gió khoảng 20.000 MW; điện mặt trời (gồm điện mặt trời mái nhà) sẽ đạt công suất tương tự. So với quy hoạch VII điều chỉnh, các nguồn điện này tăng lần lượt 14.000 MW và 8.000 MW.

Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh tới nguồn điện gió ngoài khơi, vốn trước đây chưa được phát triển do các yếu tố liên quan kỹ thuật, điều kiện kinh tế, công nghệ… thì trong dự thảo quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu 4.000 MW vào năm 2030.

“Việt Nam sẽ chuyển dịch từ sử dụng các nguồn năng lượng hoá thạch (điện than), sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Mục tiêu là tổng công suất các nguồn điện sạch chiếm tỷ trọng 75% vào tổng hệ thống và góp 70% sản lượng điện”, ông Dũng chia sẻ.

Nguồn: https://vnexpress.net/dien-gio-mat-troi-se-phat-trien-ra-sao-sau-cam-ket-cop-26-4396638.html